Thực tế, công ty Offshore không còn quá xa lạ với giới kinh doanh. Thế nhưng, chỉ sau khi Hồ sơ Panama được công bố kèm theo danh sách các tổ chức, cá nhân mở công ty tài khoản ở nước ngoài, mới được nhiều người biết đến.
Sau khi danh sách cụ thể được công bố, nhiều nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh ở Việt Nam đã xuất hiện trong danh sách này như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Vietjet Air; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI hay bà Đàm Bích Thủy - cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ...
Offshore là tổng hợp của tất cả các hoạt động quản lý, đăng ký, hoạt động ở quốc gia bên ngoài, thường là quốc gia có ưu đãi về tài chính, luật pháp và thuế.
Dưới đây là cách phân tích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất của CEO Đỗ Hoài Nam, chúng tôi xin được trích lại giới thiệu đến bạn đọc:
"Hãy thử tưởng tượng, bạn có một công ty công nghệ, nghĩ ra 1 sản phẩm và bán nó online trên toàn cầu. Khi đó, một công ty offshore ở BVI, Cayman hay là Panama sẽ có lợi thế nào?
Nếu mở công ty trong nước, đặt hàng sản phẩm hết 100 USD, chi phí hoạt động hết 100 USD, bán sản phẩm được 300 USD, lãi 100USD và phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 30. Bạn sẽ còn lại 70USD.
Nào, nếu bây giờ ta mở thêm cái offshore, chuyên để bán hàng online đi khắp toàn cầu. Công ty này sẽ "mua bản quyền" công nghệ của công ty trong nước với giá 100 USD, vẫn đặt hàng nhà sản xuất hết 100 USD cho sản phẩm và vẫn thu 300 USD từ người mua hàng.
Khi đó, công ty trong nước của bạn sẽ có doanh thu 100 USD và chi phí hoạt động là 100 USD . Tức là kinh doanh hoà vốn, không phải đóng thuế. Còn công ty offshore thì lại vẫn lãi 100 USD nhưng cũng ko phải đóng thuế vì được setup (lập công ty) ở Tax Haven (thiên đường thuế) như Panama, BVI, Cayman..v.v...
Nếu số tiền lãi này được chia cổ tức lại cho bạn thì bạn vẫn phải đóng thuế như thường. Tuy nhiên, cái hay nó lại nằm ở chỗ này: Nếu bạn "tái đầu tư" số tiền lãi đó thì sẽ được "hoãn" thuế. Nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì bạn sẽ "hoãn" thuế mãi mãi.
Giả sử mỗi năm lãi của bạn là 1 triệu USD, bạn tái đầu tư liên tiếp và lợi nhuận là 20%, thì sau 10 năm, công ty offshore của bạn sẽ có 26 triệu USD. Trong khi nếu đặt toàn bộ công tty ở trong nước (với 30% thuế thu nhập doanh nghiệp) thì sau 10 năm bạn chỉ có 13,5 triệu USD.
Điều đó có nghĩa là sau 10 năm, bạn có gấp đôi số tiền nếu thành lập offshore, nói cách khác, bạn "đẩy" được lãi trung bình lên thành 2,5 triệu USD/năm thay vì 1 triệu USD/năm.
Lợi ở chỗ bạn có thể "hoãn" thuế chứ không phải là "trốn" thuế.
Chính vì vậy, không phải ai có tên trong Panama Paper là phạm pháp. Họ chỉ phạm pháp khi nguồn gốc số tiền của họ không hợp pháp thôi".
Ông Nam cho biết, ví dụ đơn giản trên đây chỉ lí giải một cách thuần túy cho những ai chưa hiểu về công ty offshore, chứ chưa thật sự chính xác với thực tế, vì thực tế các mô hình công ty sẽ phức tạp hơn nhiều lần.
Những lợi thế mà công ty offshore mang lại như kể trên chính là lý do khiến các thiên đường thuế trở nên hấp dẫn với các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới.
Mặc dù để vận hành hệ thống này, cũng tốn chi phí để thuê các công ty luật có tính bảo mật cao chuyên xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra luôn thấp hơn lợi ích các công ty nhận được (né được phần lớn tiền thuế).
Ngoài ra, đối với những người giàu có, việc mở công ty và tài khoản tại các thiên đường thuế còn có ý nghĩa giúp bảo vệ tài sản và bảo mật thông tin, bởi các thiên đường thuế này không bao giờ chia sẻ thông tin khách hàng, đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Việc hồ sơ Panama được công bố gây ra cơn sốt lớn trên toàn thế giới một phần là vì sự tò mò của thế giới, muốn biết các tỷ phú đang cất giấu tài sản là ai và hoạt động như thế nào.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc